Lượt xem: 401

Khẩn trương hoàn thiện các công trình phòng, chống thiên tai huyện Cù Lao Dung

Bên cạnh việc phòng, chống COVID-19 thì công tác phòng, chống thiên tai trước diễn biến cực đoan của thời tiết từ đây đến cuối năm cũng là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Với vai trò là Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát một số công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung - một trong những địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai vào mỗi mùa mưa bão nhằm có sự chủ động hơn trong công tác ứng phó.

 


Đoàn khảo sát tại một số khu vực đê bao xung yếu.

 

    Toàn huyện Cù Lao Dung có tuyến đê biển với chiều dài 23 km, đê Tả - Hữu dài 81 km. Với đặc điểm địa hình trên, huyện được xác định là “điểm nóng” thiên tai của tỉnh Sóc Trăng khi tình trạng sạt lở, vỡ đê bao xảy ra thường xuyên do tác động của dòng chảy sông Hậu, đặc biệt là vào mùa mưa bão hay khi đỉnh triều dâng cao vào thời điểm lũ đầu nguồn đổ về. Huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt nguồn vốn thực hiện một số công trình gia cố, bồi trúc, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay, một số công trình đạt tiến độ trên 60%, gồm: Nạo vét sông cồn Tròn, các kênh thượng - hạ lưu; sửa chữa, gia cố sạt lở mái kênh các cống, rạch. Riêng các công trình mang tính quy mô thuộc Dự án WB9 hiện cũng đang khẩn trương hoàn thiện một số hạng mục. Đồng chí Võ Quốc Tâm – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án 2 cho biết: “Cụ thể đối với Dự án khắc phục sạt lở tại khu vực Đồn Biên phòng An Thanh Ba hiện đã hoàn thành và sắp bàn giao đưa vào sử dụng. Đối với 92 điểm sạt lở khác trên địa bàn huyện cũng đã hoàn thành được 78/92 điểm; 14 điểm còn lại đã hoàn thành được phần khung đập, hiện vẫn đang gia cố đất để khẩn trương hoàn thiện. Riêng với Dự án WB9 thực hiện nâng cấp, gia cố thêm 22 km đê biển và 40 km đê sông. Ban cũng đã làm việc với nhà thầu khẩn trương bố trí nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công”.

    Nhìn chung, các  công trình được triển khai tuy đã phần nào giảm được áp lực do tác động của triều cường, nhưng để tăng cường khả năng ứng phó với mực triều cường được dự báo sẽ đạt cao xấp xỉ mực triều cường kỷ lục của năm 2019, rất cần có giải pháp gia cố khẩn trương hơn một số vị trí xung yếu, đặc biệt là các điểm gắn khu vực đất sản xuất của người dân như: Tuyến bờ bao dọc xã An Thạnh Đông, bờ câu Hai vàm thuộc xã Đại Ân 1, cống rạch Ngát thuộc xã An Thạnh Nhì... Theo lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung, khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão tại địa phương  hiện nay là phần lớn bà con đi làm ăn xa chịu ảnh hưởng của COVID-19 nên không thể trở về địa phương để nâng cấp, gia cố bờ bao, bờ câu thuộc khu vực sản xuất của gia đình như hàng năm. Bên cạnh xây dựng “kè sinh học” bằng việc hỗ trợ bà con trồng cây ven bờ bao, bờ đê để giảm tác động của sóng vào thân đê, Bí thư Huyện ủy Cù Lao dung cho rằng: Cần phải tính đến các phương án mang tính ứng phó lâu dài hơn như thực hiện cứng hóa toàn bộ mặt đê hay khép kín đê bao theo hình thức đê liền đê. Đồng chí Lê Trọng Nguyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Cù Lao Dung trình bày thêm: “Cần phải nói rõ vì đặc thù của huyện Cù Lao Dung là sau một đoạn đê sông, đê Tả - Hữu hay đê biển sẽ bị ngăn cách bởi các đoạn sông nhỏ, nên khi thi công tại đoạn đê này sẽ không thể ngăn được mực triều cường tràn lên các đoạn khác. Vì vậy các xã, thị trấn phải rà soát kỹ xem còn thiếu đoạn đê nào để thực hiện khép kín. Khi đê đã liền đê thì nguồn lực phát triển giao thông cũng như sản xuất sẽ rất mạnh mẽ nếu các mặt đê được cứng hóa ở từng đoạn hoặc từng cấp độ, có như vậy đê bao mới thật sự kiên cố và đảm bảo an toàn cho người dân”.

    Thông qua chuyến khảo sát, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị liên quan ghi nhận kiến nghị, đề xuất của Huyện ủy, UBND huyện tại buổi làm việc để có những phương án phù hợp hơn, hiệu quả hơn đối với đặc điểm của địa bàn sông nước cù lao. Nhấn mạnh đơn vị thi công cần phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương thi công hoàn thiện các vị trí xung yếu nhằm kịp thời ứng phó với đợt triều cường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới đây. Đảm bảo an toàn cho đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân trong khu vực. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhấn mạnh: “Đối với 14 điểm sạt lở còn lại trong tổng số 92 đoạn phải thực hiện, ngành đề nghị Ban Quản lý Dự án 2 cần ưu tiên khẩn trương thực hiện trước 05 vị trí xung yếu nhất mà huyện đã kiến nghị. Riêng 40 km đê sông thuộc Dự án WB9 hiện đang gặp khó tại một số địa điểm do công tác giải phóng mặt bằng, chúng ta phải phối hợp cùng địa phương tìm giải pháp hợp lý nhất giải quyết nhanh chóng để có thể tiến hành thực hiện công trình trong thời gian sớm nhất. Với những đoạn đê bao gắn với khu vực đất sản xuất của những bà con hiện đang đi làm ăn xa, cần vận động nguồn lực từ lực lượng tại chỗ như lực lượng dân quân tự vệ để tương trợ, hỗ trợ những gia đình này gia cố sớm, nhằm tránh áp lực của đợt triều cường trong thời gian tới...”.

    Nhiều năm nay, huyện Cù Lao Dung phải đối mặt với hiện tượng nước tràn qua hệ thống bờ bao, bờ câu, sạt lở nhiều đoạn đê sông vào thời điểm triều cường và mưa bão từ tháng 10 đến tháng 12. Việc gia cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, bờ bao, bờ câu đã được chủ động triển khai từ đầu năm. Nhiều công trình nâng cấp đê sông cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để chủ động ứng phó khi bước vào cao điểm triều cường và mưa bão. Biến đổi khí hậu sẽ gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến khó lường, nên chủ động các phương án đối phó thông qua giải pháp công trình là vô cùng cần thiết, nhất là đối với các địa phương thuộc vùng xã đảo của huyện Cù Lao Dung.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 8317
  • Trong tuần: 79,024
  • Tất cả: 11,802,344